Cổng thông tin Trường THPT Đơn Dươnghttp://thptdonduong.lamdong.edu.vn/home/uploads/donduong.png
Thứ năm - 23/11/2023 05:38
Ngôi trường hạnh phúc Ở ngôi trường ấy, các hành động giáo dục đều lấy học sinh làm trung tâm, dựa trên sự thấu hiểu tâm lý, năng lực học sinh của mỗi thầy, cô giáo. Cũng ở đó, các bạn học sinh đam mê sáng tạo khoa học được thầy cô, bạn bè đón nhận bằng tất cả sự tôn trọng.
Ngôi trường hạnh phúc Ở ngôi trường ấy, các hành động giáo dục đều lấy học sinh làm trung tâm, dựa trên sự thấu hiểu tâm lý, năng lực học sinh của mỗi thầy, cô giáo. Cũng ở đó, các bạn học sinh đam mê sáng tạo khoa học được thầy cô, bạn bè đón nhận bằng tất cả sự tôn trọng.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Thị Hồng Hải trao giải Nhất cho Trường THPT Đơn Dương tại Ngày hội STEM Lâm Đồng lần thứ I Tại Trường THPT Đơn Dương, tất cả những điều trên đã trở thành bộ tiêu chí nằm lòng dù không cần lưu trữ bằng con dấu và chữ ký của Ban Giám hiệu. Mỗi ngày, bài học của các em thường được bắt đầu bằng những câu chuyện gần gũi, thân thuộc trong cuộc sống. Kiến thức không chỉ còn nằm trong những trang sách giáo khoa mà các em còn được tiếp cận trong hoạt động hàng ngày. Trên lớp, các thầy cô chỉ là những tổ chức, hướng dẫn kiến thức, đồng thời trực tiếp tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, sáng tạo khoa học trong phòng thí nghiệm cùng các em học sinh. Những bài giảng được truyền đạt trên tinh thần tinh giản, hướng đến phát huy năng lực của từng học sinh theo đúng với tinh thần của giáo dục đổi mới. Học sinh ở đây, được tự do nêu những ý tưởng, những hiểu biết của mình trước lớp. Trong mỗi giờ học không chỉ có thầy cô là người truyền đạt, đem đến những kiến thức, mà học sinh cũng là những người chủ động tìm hiểu, phát hiện và áp dụng trực tiếp những kiến thức đó. Kết quả của những bài học mà các em lĩnh hội sẽ được kiểm nghiệm bằng sự đánh giá công tâm của thầy cô, bạn bè và của chính bản thân mỗi học sinh. Chính điều này đã giúp học sinh cảm thấy hứng thú, chủ động, sáng tạo, tự tin trong học tâp và giao tiếp. Điều này có thể được kiểm chứng ở bất kỳ lớp học nào, môn học nào tại Trường THPT Đơn Dương.
Học sinh Trường THPT Đơn Dương luôn được khuyến khích với niềm đam mê khoa học Trung tuần tháng 4/2023, tại Ngày hội STEM lần thứ I dành cho học sinh trung học tỉnh Lâm Đồng, với Đề tài “Bộ thí nghiệm cơ học” đội thi của Trường THPT Đơn Dương đã được xướng tên ở giải thưởng cao nhất trong sự khâm phục và tưởng thưởng bằng những tràng pháo tay không ngớt của các đội thi. Với những người hoạt động trong ngành Giáo dục hẳn sẽ không quá bất ngờ bởi bảng vàng thành tích của ngôi trường này. Dù là “trường huyện” theo cách nói thông thường, nhưng trong nhiều năm trở lại đây, Trường THPT Đơn Dương lại là nơi “săn giải” nhiều nhất ở các cuộc thi uy tín có quy mô lớn. Năm học 2015 - 2016 là giải Nhì Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia tổ chức tại Cần Thơ; năm học 2017 - 2018 là giải Ba cuộc thi cùng tên được tổ chức tại sân nhà Lâm Đồng; cũng tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2018 - 2019, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh trường tiếp tục có 4 học sinh đoạt giải Ba và Khuyến khích. Cũng trong năm học 2018 - 2019, hai em học sinh Phan Lê Thảo Phương và Lê Thị Hoàng Ngân của trường đã đạt huy chương Vàng quốc tế tại Indonesia. Đây cũng là thành tích cao nhất trong lịch sử hơn 30 năm kể từ khi trường được thành lập. Cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Giáo viên môn Vật lý, “Kiến trúc sư” mát tay tạo tiền đề cho những đề tài mang vinh quang về cho trường chia sẻ: “Mình đơn giản chỉ là người khơi nguồn và giúp các em giữ được ngọn lửa đam mê. Giáo dục nặng về kiến thức sẽ khiến các em bị áp lực tâm lý và thui chột về cảm xúc, thiên về trả bài mà mất đi cảm hứng sáng tạo. Các em học sinh bây giờ rất giỏi, chỉ cần giúp các em nắm vững lý thuyết căn bản, tất cả đều có thể chuyển hóa bằng những sản phẩm sáng tạo hữu ích trong cuộc sống”.
Đề tài “Bộ thí nghiệm cơ học” của các em học sinh Trường THPT Đơn Dương đạt giải nhất tại Ngày hội STEM Lâm Đồng lần thứ I năm 2023 Đề tài “Bộ thí nghiệm cơ học” là một mô hình không quá phức tạp đối với sinh viên của các trường đại học, nhưng lại là cả một công trình sáng tạo đối với học sinh THPT. Đặc biệt là đối với các bạn học sinh ở một ngôi trường như THPT Đơn Dương, nơi phòng thí nghiệm không được trang bị quá đầy đủ về các thiết bị thí nghiệm và nghiên cứu. Nguyễn Phước Luân - người trực tiếp sáng tạo nên sản phẩm cho biết: “Bộ thí nghiệm giúp chúng em có thể tiến hành được các thí nghiệm phần cơ học, đồng thời cũng có thể áp dụng rộng rãi cho giáo viên và các bạn học sinh trong việc thực hành, thí nghiệm mô phỏng cơ học, động lực học ở cấp học THPT, đáp ứng được yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng học tập theo hướng tích cực hóa, phát triển kỹ năng thực hành thí nghiệm cho học sinh”. “Em và các bạn muốn thiết kế “Bộ thí nghiệm cơ học” đơn giản nhất có thể để các bạn cùng được tham gia làm thí nghiệm. Hơn thế, em còn mong muốn thông qua sản phẩm có thể khơi dậy niềm đam mê sáng tạo cho các bạn trong trường, nhằm phát triển khả năng tư duy sáng tạo, khả năng làm việc nhóm cho các bạn”, Lê Nguyễn Đại Lợi - học sinh tham gia Đề tài “Bộ thí nghiệm cơ học” chia sẻ thêm. STEM là một chương trình giảng dạy được thiết kế để trang bị cho người học các kiến thức và kỹ năng liên quan đến lĩnh vực khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineer) và toán học (Math). Thuật ngữ STEM ra đời bằng việc ghép bốn chữ cái đầu tiên theo tên tiếng Anh của bốn chuyên ngành tự nhiên quan trọng mà nó hướng đến. Giáo dục STEM được đưa vào các hoạt động giáo dục tại Trường THPT Đơn Dương từ nhiều năm trước. Bên cạnh việc giúp học sinh hiểu được STEM thông qua cách tiếp cận liên môn (Interdisciplinary), các thầy cô giáo của Trường THPT Đơn Dương còn sáng tạo thêm chữ A (Artist - Nghệ sỹ) để STEM trở thành thuật ngữ mới STEAM. Điều này hoàn toàn hợp lý bởi theo quan điểm của PGS.TS Phù Chí Hòa - Giảng viên Trường Đại học Đà Lạt: “STEM cũng là một môn nghệ thuật tri thức. Vì thế, người làm thầy, đứng trên bục giảng cũng phải là một nghệ sỹ, chỉ có sự sáng tạo của một nghệ sỹ mới có thể giúp các em học sinh hứng thú, đam mê với khoa học, sáng tạo, linh hoạt và vận dụng thành công khoa học vào cuộc sống. Nếu người làm thầy không có đam mê, đến bục giảng chỉ để bằng lòng với công việc mưu sinh, tất cả các giáo án dành cho STEM sẽ bị triệt tiêu”. STEM có mặt ở khắp nơi trong cuộc sống. Có điều kiện hay thiếu thốn về vật chất đều có thể ứng dụng được STEM. Từ những vật dụng cao cấp đến những thứ đơn giản xung quanh vườn nhà, trường học đều có thể ứng dụng trong giảng dạy và thực hành STEM. Điều quan trọng mà thầy cô giáo của Trường THPT Đơn Dương làm được chính là khơi dậy nguồn sáng tạo của học sinh, giúp các em gần hơn với STEM và có sự đam mê với STEM. Xây dựng một môi trường giáo dục trên nền tảng văn hóa, có sự tương tác tôn trọng lẫn nhau giữa thầy và trò, thúc đẩy đam mê và giúp học sinh phát huy tối đa năng lực bản thân. Đó đơn giản là những chỉ số hạnh phúc để giúp Trường THPT Đơn Dương luôn nằm trong top đầu các trường THPT của giáo dục Lâm Đồng trong những năm vừa qua. TUẤN LINH – Báo Lâm Đồng